Xem xét quy định sở hữu nhà có thời hạn
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009 phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực nhà ở - Bộ Xây dựng dự báo - đến năm 2015, dân số Việt Nam sẽ lên tới 91,5 triệu người, nhu cầu về nhà ở lúc đó là gần 2 tỷ m2sàn (căn cứ chỉ tiêu diện tích 21,5m2/người) và tương đương với nhu cầu vốn đầu tư là 2.205.000 tỷ đồng.
Có lẽ nhìn thấy nguy cơ người thì sẽ tăng lên mà đất thì không giãn thêm, nên Bộ Xây dựng đã tính toán đến chuyện hạn chế, tiến tới chấm dứt việc giao đất lẻ cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở. Phần để quản lý quỹ đất, phần để đảm bảo quy hoạch.
Giá nhà đất có thể sẽ tiếp tục tăng cao làm cho cơ hội của đại bộ phận người dân có thể sở hữu nhà ở riêng sẽ rất khó khăn, vì thế, thời gian tới, thị trường bất động sản Việt Nam cần phát triển đa dạng các loại nhà ở để bán và cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà, Bộ Xây dựng cho rằng cần nghiên cứu cơ chế về việc sở hữu nhà ở có thời hạn, đặc biệt là nhà ở chung cư. Việc quy định sở hữu nhà ở có thời hạn sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà cũ.
Thực ra, chuyện sở hữu nhà có thời hạn không hề là vấn đề mới. Ở đất nước láng giềng Việt Nam, ở ngay thành phố gần biên giới với Việt Nam nhất là thành phố Nam Ninh của Trung Quốc, quy định sở hữu nhà có thời hạn đã được quy định từ lâu. Mỗi hộ gia đình chỉ được sở hữu căn hộ chung cư trong 50 năm.
Điều đó vừa thuận lợi cho thành phố trong quản lý quy hoạch tầm nhìn xa, lại cũng hình thành trong đầu người dân tư duy hợp tác với nhà nước thực hiện quy hoạch, thay đổi tâm lý sở hữu vĩnh viễn bất động sản án ngữ trong đầu người nông dân hàng ngàn năm nay. Tư duy sở hữu tài sản thay đổi, nên chính vì thế, ngay cả hộ gia đình trẻ cũng có thể mua được căn hộ chung cư, bởi giá căn hộ chung cư tương đương chỉ rẻ bằng 1/5 so với giá căn hộ ở Hà Nội.
Ở ta, nhìn lại chuyện cải tạo chung cư cũ mới thấy, một khi đặt tài sản trong quyền sở hữu vĩnh viễn, thỏa thuận tiến tới sự hợp tác vì quyền lợi chung cũng là việc không dễ làm. Nên, qua bao năm thực hiện cải tạo chung cư cũ, điều chúng ta đạt được là một số công trình cải tạo “vá chằng vá đụp” vào bộ mặt quy hoạch của thành phố.
Thiết nghĩ, chuyện sở hữu trong bao nhiêu năm không phải là vấn đề lớn, mà điều chúng ta cần làm lúc này là từ chuyện hạn chế thời gian sở hữu để làm thay đổi hẳn quan niệm và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với đô thị mà họ đang sống.
(Theo Pháp Luật VN)